Trang chủ chính thức Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
Trong bản tin tuần vừa qua, Cục An toàn thông tin (ATTT) - Bộ Thông tin & Truyền thông, tiếp tục cảnh báo một số hình thức lừa đảo trực tuyến đáng chú ý tại Việt Nam.
Thời điểm Tết cận kề, đối tượng lừa đảo sử dụng nhiều thủ đoạn để tiếp cận nạn nhân như dụ cài ứng dụng giả mạo dịch vụ công, lừa mua hàng qua mạng, tuyển người mẫu hay kêu gọi từ thiện, chiếm đoạt từ 500 triệu đến hơn 20 tỷ đồng.
Mất hàng tỷ đồng vì cài app giả dịch vụ công
Ngày 17/1, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an TP. Hà Nội) cho biết đã tiếp nhận đơn trình báo của 6 người từ đầu tháng 1 đến nay. Họ bị lừa cài đặt ứng dụng giả mạo dịch vụ công, thiệt hại tổng cộng gần 20,6 tỷ đồng.
Đáng chú ý, người bị chiếm đoạt ít nhất 252 triệu đồng, trong khi nạn nhân chịu thiệt hại nặng nhất đến 15,3 tỷ đồng.
Một trong các nạn nhân gồm anh V. (ngụ quận Long Biên) được đối tượng mạo danh công an phường gửi đường dẫn tải app giả dịch vụ công để bốc số thứ tự, không phải chờ khi lên quận làm thủ tục.
6 người tại Hà Nội bị lừa tổng cộng 20,6 tỷ đồng do cài app giả dịch vụ công. Ảnh: Cục ATTT.
6 người tại Hà Nội bị lừa tổng cộng20,6 tỷ đồngdo cài app giả dịch vụ công. Ảnh: Cục ATTT .
Sau khi cài app, anh V. bị chiếm đoạt 1,3 tỷ đồng trong 3 giao dịch.
Tương tự, chị A. (ngụ quận Hai Bà Trưng) được người tự xưng cán bộ công an quận yêu cầu cập nhật thông tin bằng lái xe.
Do chị A. cáo bận nên đối tượng hướng dẫn cập nhật qua mạng. Sau khi tải app giả mạo dịch vụ công, chị A. bị chiếm đoạt gần 1 tỷ đồng trong tài khoản ngân hàng.
Theo Công an TP. Hà Nội, thủ đoạn của đối tượng là tạo app có giao diện giống Cổng dịch vụ công.
Chúng giả danh công an phường/quận, gọi điện thông báo CCCD chưa đồng bộ dữ liệu đất đai thành công, chưa cập nhật thông tin thẻ BHYT, cập nhật thông tin bằng lái xe chưa thành công... sau đó hướng dẫn cập nhật qua mạng để tiết kiệm thời gian.
Các đối tượng dẫn dắt nạn nhân truy cập đường link để cài ứng dụng giả. Từ đó, mã độc được tải song song về điện thoại, cho phép truy cập dữ liệu, chụp màn hình, đọc tin nhắn, chiếm quyền trợ năng để điều khiển điện thoại.
Sau khi cài thành công mã độc, đối tượng sẽ lấy cắp mật khẩu đăng nhập tài khoản ngân hàng và OTP, từ đó kích hoạt các lệnh chuyển tiền để chiếm đoạt tài sản.
Trước tình trạng trên, Cục ATTT khuyến cáo người dân cảnh giác khi nhận cuộc gọi và tin nhắn lạ, liên quan đến cán bộ của cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, làm theo yêu cầu qua điện thoại. Không truy cập đường link trong tin nhắn. Khi cài đặt ứng dụng, cần kiểm tra kỹ thông tin điều khoản, chỉ cài app trên Play Store hoặc App Store. Ngoài ra, nên sử dụng vân tay hoặc Face ID để đăng nhập ứng dụng ngân hàng, không lưu thông tin bảo mật trên điện thoại.
Trong trường hợp nhận cuộc gọi từ người tự xưng cơ quan chức năng, có thể chủ động liên hệ cơ quan ấy để xác minh thông tin.