Hơn 80% các nước trên thế giới có cổng dữ liệu quốc gia để cung cấp dữ liệu mở. Năm 2022, Việt Nam xếp thứ 81/187 về cung cấp dữ liệu mở, tăng 10 bậc so với năm 2020 và chúng ta đang tích cực đẩy mạnh triển khai hoạt động này để có những bước tiến xa hơn và đạt thứ hạng cao hơn.
Khoản 4 Điều 3 Nghị định số 47/2020/NĐ-CP quy định: "Dữ liệu mở của cơ quan nhà nước là dữ liệu được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố rộng rãi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân tự do sử dụng, tái sử dụng, chia sẻ.
Trong thời đại thế giới ngày càng được số hóa và mở về dữ liệu, chuỗi các hoạt động xây dựng, duy trì, nhập, lưu trữ và khai thác dữ liệu là cột sống kết nối các phân đoạn của vòng đời thông tin để nó trở thành điểm dựa vững vàng cho việc triển khai chuyển đổi số trên mọi mặt của đời sống. Mặc dù mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân đều có thể đóng góp dữ liệu và dữ liệu mở cho phép mọi người tự do sử dụng, tuy nhiên vẫn bị ràng buộc bởi một số điều kiện nhất định cần phải tuân thủ.
Dữ liệu là tài sản. Khai thác tối đa tiềm năng của dữ liệu chính là đưa đất nước phát triển. Ở Việt Nam năm 2023 và trong tương lai, dữ liệu mở được xác định trở thành "nguyên khí quốc gia". Vì vậy, mỗi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp được kêu gọi đào sâu tri thức, tạo lập tri thức để tạo ra các ứng dụng mới và giải pháp nhằm đưa đất nước phát triển thông qua hệ thống dữ liệu được tích lũy từ hoạt động và quan sát thực tiễn. Đồng thời, nỗ lực chia sẻ và ghi nhận dữ liệu mở ngày càng được chú trọng để góp phần tạo nhận thức và thói quen đóng góp, sử dụng dữ liệu cho mọi người dân trong kỷ nguyên chuyển đổi số.